Kiến trúc của Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc
Ban đầu miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được cất đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng.
Năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu. Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng.
Đến khi ấy, kiến trúc miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế...
Chánh điện của Miếu Bà bao gồm hai lớp, với lớp trong cùng là nơi thờ phụng với tượng Bà được an tọa trên bệ cao, phía bên cạnh được đặt hai con hạc trắng tượng trưng cho cốt cách tiên thành của Bà. Hương án thờ bên phía phải tượng Bà là một linga (sinh thực khí nam) bằng đá, được gọi là bàn thờ Cậu. Phía còn lại là hương án thờ một tượng gỗ được chạm hình yoni (sinh thực khí nữ), được gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai, sát với hai bức tượng chim phượng là bàn thờ Hội đồng. Hai bên tả hữu của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn ở bên trái và bên còn lại là bàn thờ Hậu hiền khai cơ.
Phần mái ngói của chánh điện của miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam