Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng khi nhắc về địa danh Lầu Ông Hoàng, người ta lại nhớ tới cuộc tình đã tốn bao giấy mực một thời giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và nàng Mộng Cầm xinh đẹp. “Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang”, để biết bao thi nhân, nghệ sỹ cũng đắm chìm trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong những ký ức đầy mơ mộng của một giai thoại tình yêu. Và hôm nay, mỗi lần về Phan Thiết, người ta lại rỉ tai nhau cùng về chốn thơ ấy, để nghe gió thổi bên tai về câu chuyện của ngày xưa và ôm trọn vào lòng bức tranh non nước hữu tình những ngày gió lộng.

Lầu Ông Hoàng là một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp ở phường Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận. Đây vốn là một biệt thự do Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây, nhưng đến nay đã bị phá hủy và chỉ còn là tàn tích. Địa danh này cũng được gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết. Ngày nay, tên gọi "Lầu Ông Hoàng" cũng thường được chỉ về khu vực nghĩa trang thành phố Phan Thiết.

tin-huu-ich-lau-ong-hoang-noi-luu-dau-chuyen-tinh-day-bi-thuong-cua-han-mac-tu-324
Chụp hình tại Lầu Ông Hoàng.

Lầu Ông Hoàng Và Những Giai Thoại Đầy Bí Ẩn

Vào năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhận thấy phong cảnh tại những ngọn đồi xung quanh Phan Thiết rất hữu tình, nên ông đã mua lại mảnh đất rộng 536m², cách Tháp PoSahInư 100 m về hướng nam để xây dựng biệt thự.

Công trình này được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với móng nền được đúc bằng đá hộc xanh, nền cao tới hai thước, lót gạch bông sáng bóng. Phía trên nóc biệt thự là những phiến đá màu xanh, khiến bên trong luôn mát lạnh dù thời tiết bên ngoài có nóng nực đến cỡ nào.

tin-huu-ich-lau-ong-hoang-noi-luu-dau-chuyen-tinh-day-bi-thuong-cua-han-mac-tu-324
Vết tích còn sót lại tại Lầu Ông Hoàng ngày nay.

Tòa biệt thự được khởi công xây dựng ngày 21 tháng 2 năm 1911 với quy mô 13 phòng rộng cùng nhiều tiện nghi phụ trợ, như máy phát điện đặt dưới tầng hầm, bể chứa nước có thể dùng đủ cả năm. Khi xây xong, biệt thự được xem là công trình hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Tên gọi Lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp cư ngụ ở đây. Lầu Ông Hoàng có một vị trí đẹp, cao 105 m so với mặt nước biển, cách trung tâm Thành phố Phan Thiết 7km nằm trên khu vực đồi Bài Nài.

tin-huu-ich-lau-ong-hoang-noi-luu-dau-chuyen-tinh-day-bi-thuong-cua-han-mac-tu-324
Hình ảnh Lầu Ông Hoàng ngày xưa.

Mãi tới vài chục năm sau, khi Hàn Mặc Tử đặt chân tới Lầu Ông Hoàng, những kỷ niệm mà ông để lại, những vần thơ mà người thi sĩ viết nên mới khiến Lâu Ông Hoàng đi sâu vào tiềm thức của bao người bởi một câu chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở.

 

Theo lời bà Mộng Cầm sau này kể lại, một ngày mùa hè, Hàn Mặc Tử vào Phan Thiết thăm bà và Mộng Cầm đã đưa ông tới Lầu Ông Hoàng nhưng đáng tiếc thay đây lại là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai người.  Hàn Mặc Tử quay lại Huế, rồi vào Quy Nhơn và điều trị bệnh phong ở Tuy Hòa cho đến khi mất.

tin-huu-ich-lau-ong-hoang-noi-luu-dau-chuyen-tinh-day-bi-thuong-cua-han-mac-tu-324
Nơi lưu dấu câu chuyện tình đầy bi thương của người thi sĩ họ Hàn.

Vậy nên khi người ta nhắc tới câu chuyện tình xưa, họ lại nhớ về Lầu Ông Hoàng. Dường như nơi ấy cũng trở thành một niềm khắc khoải để tận mãi sau này, mỗi lúc nhớ về, người thi ấy trong những cơn đau bệnh cuối đời phải thốt lên:

 

“Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.

Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết

Ôi trời ôi! là Phan Thiết Phan Thiết

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi”


Lầu Ông Hoàng Ngày Nay

Ngày nay, Lầu Ông Hoàng đã trở thành tàn tích, phần lớn công trình đã bị mất dấu vết. Chỉ tiếc rằng, ngành quản lý văn hóa và du lịch của địa phương không có những chỉ dẫn cụ thể và chính xác nên nhiều người đến đây đều lầm tưởng cụm lô cốt quân sự còn sót lại cách Tháp PoSahInư về hướng Nam khoảng 100m chính là lâu đài của công tước De Monpensier. Vì vậy, hình ảnh một lô cốt có tháp canh khá cao xấu xí với nhiều lỗ châu mai và lỗ chỗ vết đạn mà gọi Lầu Ông Hoàng là hoàn toàn sai lạc.

tin-huu-ich-lau-ong-hoang-noi-luu-dau-chuyen-tinh-day-bi-thuong-cua-han-mac-tu-324
Lầu Ông Hoàng ôm trọn hết vùng trời Phan Thiết

Một điều đặc biệt rằng di tích Lầu Ông Hoàng dường như không có bàn tay tác động của con người, vẫn giữ nguyên vẹn những nét hoang sơ từ thuở nào, khiến người ta ngỡ như mình đang lạc bước một không gian xa xưa, lòng nhớ về người thi sĩ Hàn Mặc Tử thuở nào, thấy dấy lên bao niềm thương xót.

Tương truyền, Hàn Mặc Tử đã phóng bút tích của mình lên tấm bia đá tại Lầu Ông Hoàng, tuy nhiên, di tích đó hiện nay chỉ còn là đống gạch vụn. Người ta cũng cho rằng, khi Hàn Mặc Tử đi dạo với bà Mộng Cầm ở Lầu Ông Hoàng, qua một cái nghĩa địa (nay là nghĩa trang Thành phố Phan Thiết) có một ngôi mộ mới an táng thì gặp trời mưa. Bỗng ông phát hiện ra từng đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà nghỉ, để rồi sớm mai ông phát hiện ra mình như vậy. Đó là trực khuẩn Hansen gây nên bệnh phong cùi cho ông.

tin-huu-ich-lau-ong-hoang-noi-luu-dau-chuyen-tinh-day-bi-thuong-cua-han-mac-tu-324
Các giai thoại đầy bí ẩn ở Lầu Ông Hoàng

Trong ca khúc "Hàn Mặc Tử" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng có nhắc đến Lầu Ông Hoàng: "Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng...".

Hàn Mặc Tử và một đêm trăng cùng nàng thơ Mộng Cầm trên Lầu Ông Hoàng, và đến hôm nay, khi nhắc về địa danh ấy, người ta không chỉ cảm bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn đau lòng nhớ về một mối tình đẹp nhưng nhuốm vẻ bi thương trong quá khứ. Để rồi, ghé Phan Thiết một lần, ta lại dặn lòng lên lên đỉnh Bà Nài, tìm về dấu tích Lầu Ông Hoàng khi xưa, mà thương mà nhớ.

Nếu có dịp ghé thành phố Phan Thiết, các bạn không nên bỏ qua một địa điểm mang đậm dấu ấn của chuyện tình của người thi sĩ họ Hàn, nên tham khảo các chương trình tour Du Lịch Phan Thiết để được tham quan nhiều địa điểm và có một chuyến đi trọn vẹn.